Kỹ trị là gì?

Kỹ trị (technocracy: cai trị theo khoa học – kỹ thuật ): Phương pháp cai trị xã hội bằng giới khoa học kỹ thuật, là một xu hướng mới trong lịch sử quản lý nhà nước hiện nay. Kỹ trị – đầu tiên phải hiểu – là việc đưa giới trí thức tinh hoa lên nắm quyền và áp dụng tri thức – kỹ thuật vào quản lý nhà nước.

Sự “tham chính” của giới trí thức tinh hoa đã trở thành hiển nhiên ở khắp nơi trên thế giới, tuy nhiên chỉ có một số nhỏ các quốc gia được coi là đi theo hướng kỹ trị. Theo giáo sư Centeno – Đại học Princeton, một nền kỹ trị đúng nghĩa khi cả ba nhân tố sau đây phải cùng tồn tại:
1. Có sự thâm nhập thực sự của giới trí thức tinh hoa vào các cơ cấu cao cấp của nền hành chính.
2. Có sự lấn át của các thể chế kỹ trị khi hoạch định các chính sách quốc gia quan trọng nhất.
3. Cuối cùng là sự áp dụng rộng rãi các phương pháp và cách nhìn kỹ trị khi hoạch định chính sách vĩ mô.
Dưới góc độ tổ chức nhà nước dân chủ Tây phương, hệ thống hành chính (bureaucracy) và hệ thống chính trị (political system) là hai thực thể tách rời nhau. Các quyết sách phát triển đất nước được sản sinh từ hệ thống chính trị và thực hiện bởi hệ thống hành chính. Khi bị “kỹ trị hóa”, một số thể chế của hệ thống hành chính trở nên lấn át và đảm đương việc hoạch định các chính sách phát triển quốc gia thay cho vai trò hệ thống chính trị. Đồng thời, việc hoạch định chính sách này được đặc trưng rõ nét bởi việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật.
Chính điều đó đã tạo ra một khác biệt rất lớn so với các chính sách sản sinh từ hệ thống chính trị. Ví dụ như việc quyết định khai thác khoáng sản: Nếu như đó là sản phẩm của các nhà kỹ trị, thì nó phải là sản phẩm của việc tính toán kinh tế và kỹ thuật tối ưu. Tuy nhiên, nếu do hệ thống chính trị quyết định, thì nó là sản phẩm của sự mặc cả giữa các thế lực chính trị, xem thường yêu cầu hiệu quả kinh tế, để đổi lấy sự nhất trí giữa các chính trị gia trong một hay nhiều quốc gia có liên quan.
Khi nghiên cứu các nền kỹ trị lừng danh của Châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore, Centreno đã phát hiện ra rằng ranh giới giữa hệ thống chính trị và hành chính hầu như không tồn tại. Vì những lý do khác nhau, hệ thống chính trị dân chủ ở các nước này trong suốt các giai đoạn phát triển đầu tiên đã không vận hành bình thường. Do khi một chính đảng luôn nắm quyền kiểm soát tuyệt đối và áp dụng các biện pháp cứng rắn trong quản lý xã hội, thì hệ thống chính trị không thể phát huy được tác dụng như trong các thể chế dân chủ Tây phương. Đảng cầm quyền thống trị bộ máy nhà nước và xóa nhòa mọi ranh giới giữa chính trị và hành chính, vì thế, các nước này ít nhiều mang màu sắc chính trị độc đoán. Các mục tiêu phát triển quốc gia thay vì được kết tinh từ các quá trình dân chủ thì lại được bộ máy nhà nước hoạch định dựa trên viễn tượng phát triển dân tộc hoặc lợi ích đảng phái, bè nhóm cục bộ.
Giới lãnh đạo tự nhận vai trò đại diện cho lợi ích của dân tộc để hoạch đinh đường lối và phương pháp phát triển. Họ cũng sử dụng chủ nghĩa dân tộc làm chiêu bài để gạt bỏ bất đồng. Những nhóm chịu thiệt thòi nếu lên tiếng đấu tranh nhân danh quyền lợi của mình sẽ dễ dàng bị gán ghép là những người vị kỷ, tư lợi hoặc không yêu nước. Lợi ích dân tộc cũng được sử dụng để giải thích và khỏa lấp các quan ngại về bất bình đẳng, kiểm soát xã hội hà khắc và các vấn đề khác.
Điển hình như, cựu thủ tướng Singapore, ông Lý Quang Diệu đã tóm tắt triết lý trị nước của mình bằng tuyên bố “Mỗi khi có ai đó muốn tìm cách phá hoại hoặc làm đảo ngược trật tự xã hội, kỷ cương, duy lý này để làm cho nó ủy mỵ và duy cảm, tôi sẽ chặn đứng họ lại mà không phải băn khoăn suy nghĩ gì”.
Nếu viết là kỉ trị (kỷ trị):
Kỷ (như kỉ):
Nghĩa đen: dùng để chỉ dây lớn ở ngoài mép lưới đánh cá được gọi là cương, những dây nhỏ bên trong gọi là kỉ).
Nghĩa bóng: dùng để chỉ phép tắc, quy định, luật lệ, pháp luật; Như Kỉ cương. Giềng mối phép tắc, Kỉ luật. Phép tắc, luật lệ.
Trị: sắp xếp, lo liệu, sửa soạn, quản lí; Như: cai trị là sắp đặt cho yên mọi việc; Trị quốc lo liệu việc nước, Tràng trị cửu an trị yên lâu dài.
Kỉ trị là đường lối cai trị (quản lý, cai quản) mọi việc bằng pháp luật, bằng các quy định phù hợp, cụ thể và rõ ràng.
Đồng nghĩa pháp trị: Cai trị bằng pháp luật.
Đối lập nhân trị: cai trị bằng tình cảm, tình nghĩa, nhân nghĩa, đạo đức.
Vậy kỹ trị – hiểu một cách nôm na – là trí thức lên nắm quyền. Người lãnh đạo kỹ trị là một trí thức trước khi chuyển sang làm quản lý, do đó họ có quan điểm trị sự dựa trên cơ sở thống kê, bằng chứng thay vì cảm tính.
Nghiên cứu học thuyết “kỹ trị” có Robert Solow (1924 – nhà kinh tế học Mỹ, giải thưởng Nobel 1987) bắt đầu xuất hiện vào cuối những năm 50 của thế kỷ XX, do cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại bắt đầu phát triển mạnh mẽ, R.Solow khẳng định yếu tố kỹ thuật trở thành nhân tố quyết định sự tăng trưởng kinh tế. Thuyết “kỹ trị” R.Solow lấy nhân tố “vật” làm chính mà xem nhẹ nhân tố “người”.
Đại diện chủ yếu của lý luận này là Frederick Winslow Taylor, người được các học giả về quản lý của Phương Tây mệnh danh là người cha của lý luận quản lý một cách khoa học (technocracy). Năm 1895, F.Taylor đã trình bày luận văn đầu tiên của mình tại Hiệp hội kỹ sư cơ khí toàn quốc Mỹ. Đó là “chế độ trả lương theo số lượng sản phẩm”. Năm 1903, ông xuất bản cuốn “Quản lý ở nhà máy”. Năm 1911 ông xuất bản cuốn sách nổi tiếng mang tên “Những nguyên lý của việc quản lý một cách khoa học”. Năm 1912 ông đã trình bày tại Quốc hội Mỹ một số vấn đề về quản lý một cách khoa học và đó là một bộ phận quan trọng không thể thiếu được trong nghiên cứu công tác quản lý một cách khoa học của ông.
Sưu tầm