Những hình thái mới của giặc dốt

Những tưởng ai trong xã hội cũng có bằng này cấp nọ, lan tràn cử nhân, kỹ sư như bây giờ thì “giặc dốt” đã là chuyện của quá khứ. Thế nhưng nó vẫn tồn tại, thậm chí là còn đáng sợ hơn dưới một “lớp áo” khác là sự ấu trĩ hay ngộ nhận về hiểu biết.
Nói bằng ngôn ngữ bình dân thì dốt mà không hề biết là mình dốt. Có thể tạm chia những người có ảnh hưởng trong xã hội (bất cứ xã hội nào) thành năm nhóm sau đây: có quyền, có tiền, có tiếng, có bằng, và có chữ.
Một biểu hiện của bệnh ấu trĩ ở những người có quyền là việc họ thường xuyên đưa ra những quyết sách tồi, nhưng bản thân họ lại không nhận ra được điều đó. Một nhà lãnh đạo giỏi có thể không cần phải biết tất cả mọi thứ, giỏi tất cả mọi việc, nhưng sẽ biết ai là người mình nên lắng nghe và ai là người mình nên tin tưởng.
Lãnh đạo giỏi cần phân biệt được đâu là quân tử và đâu là ngụy quân tử, đâu là thực tài và đâu là ngụy tài. Nhà lãnh đạo ấu trĩ thường không có khả năng này, bởi họ đã mất đi khả năng phân biệt ai là ai, cái gì là cái gì, và mình là ai.
Những người có tiền lại ảnh hưởng đến xã hội thông qua cách họ kiếm tiền và xài tiền. Người có tiền ấu trĩ thường là những người kiếm tiền bằng những cách không chính đáng nhưng lại rất tự hào về điều đó, và dùng tiền họ kiếm được để cổ xúy cho những giá trị lầm lạc.
Tương tự như vậy, những người có tiếng ấu trĩ không tự ý thức được cái “tiếng” mà mình có được là theo kiểu nào (danh tiếng hay tai tiếng), và mình sẽ dùng nó như thế nào. Nên mới có chuyện một cô người mẫu rất tự hào vì mình đã trở nên nổi tiếng nhờ việc khoe thân khắp các mặt báo.
GiacDotMoi
Rồi thì rất nhiều người mang danh là “nghệ sĩ” nhưng công chúng hiếm khi thấy họ khoe những tác phẩm nghệ thuật hay sáng tạo nghệ thuật mà chủ yếu là khoe nhà, khoe xe, khoe áo quần. Thực ra khoe không phải là xấu, nhưng vấn đề nằm ở chỗ, điều đáng để khoe không phải là những gì mình kiếm được, mà là những gì mình đóng góp cho cộng đồng.
Người có bằng cấp thường được xã hội trọng nể, những hành xử của họ thường được coi là chuẩn mực để người khác noi theo. Thế nên, điều tai hại mà sự ấu trĩ của họ gây ra là, khiến cho những người xung quanh họ mất đi niềm tin vào những giá trị chuẩn mực. Kiểu “ôi giời, đến tiến sĩ mà còn hành xử như thế, thì mình làm vậy cũng có gì mà ngại!”.
Và nghịch lý là, sự ấu trĩ của một người có thể gia tăng tỉ lệ thuận với số bằng cấp mà họ sở hữu, nhất là khi cái bằng đó không phải là kết quả của một quá trình học tập để “khai minh” bản thân, mà chỉ là một vật trang sức để làm bản thân họ thêm lấp lánh.
Bởi lẽ bằng cấp họ có khiến cho họ ngộ nhận rằng mình đã hơn người, hoặc ít ra cũng chẳng kém người nên quên đi rằng vẫn còn quá nhiều điều cần phải học để nâng cao nhận thức và hiểu biết của mình. “Bác học không có nghĩa là ngừng học”.
Những người có chữ (hay còn gọi là “tinh hoa”) là một trường hợp đặc biệt. Bởi họ luôn được coi là “đôi mắt”, là “tầm nhìn” của xã hội, cho dù họ có thể không có quyền hay có tiền… Là “tinh hoa”, “trí thức” nên tất nhiên họ không có những ấu trĩ của người bình thường.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là “tinh hoa” không có “điểm mù”. Liệu họ có thực hiện được sứ mệnh định hướng, định hình xã hội trong lĩnh vực, ngành nghề của mình hay chưa? Liệu họ có bứt ra được những giới hạn của thời đại mình đang sống để có được một viễn kiến xa hơn, rộng hơn?
Liệu họ có hướng được xã hội của mình đi vào một thời đại mới tốt đẹp hơn bằng chính tầm nhìn và trí tuệ của mình, hay vẫn chỉ loay hoay với những thị phi trong thời đại của mình? Không ít người dù ngậm ngùi nhưng cũng phải đồng tình với nhận xét rằng, Việt Nam đang ở thời vắng những nhà văn hóa lớn, khi mà những ngôi sao dẫn đường trên bầu trời tinh hoa ngày càng lẻ loi.
Tóm lại, ai trong chúng ta cũng có thể mắc phải căn bệnh ấu trĩ. Bởi như Einstein từng nói: “Có hai thứ được coi là vô tận, 1. Vũ trụ và 2. Sự ngu dốt của con người”. Và ông nói thêm: “Về phần vũ trụ thì tôi không chắc lắm… ”. Như vậy, sự dốt nát chưa phải là bi kịch lớn nhất của con người, mà bi kịch là “dốt nhưng không biết là mình dốt”.
Bài của Giản Tư Trung trên tạp chí Tia Sáng.