Việc đọc của những người viết

Đọc và viết hẳn nhiên là hai việc khác nhau, không phải là một. Theo cách hiểu thông thường, đối với một người viết, đọc là quá trình “nạp”, còn viết là “xả”, “trút” cái sự ngấm của việc đọc bằng cách ghép từ ngữ thành một sản phẩm trí tuệ. Cho nên chuyện đọc và viết của người viết là một quá trình nhân quả.
Sự đọc cần cho những ai yêu mến tri thức, yêu đời sống tinh thần phong phú. Riêng với người viết, đọc là việc mang tính cốt tử, nếu người viết muốn sống chết với nghề, muốn tạo lập những giá trị văn chương còn mãi với thời gian. Nói theo cách khác, người viết phải đọc nếu muốn trở thành một tay chuyên nghiệp.
Không có gì khó hiểu khi người viết bị ràng buộc bởi điều kiện phải đọc. Thử chứng minh điều đó bằng những giả định. Trước hết, nếu không đọc (hoặc ít đọc) người viết sẽ chỉ có thể viết bằng chút ít tài năng trời cho (với điều kiện là anh ta có thứ tài năng ấy, tất nhiên) và bằng những kinh nghiệm đời sống hết sức hữu hạn của riêng mình, chứ không phải bằng bề dày vốn liếng từ việc đọc.
Thực tế cho thấy, vốn liếng về văn học này chính là nguồn “nhiên liệu” giúp cho một người viết đi bền, đi xa trên con đường văn chương thiên lý. Không có nó, may ra người viết chỉ đạt được một vài thành công ban đầu rồi sau đó nhanh chóng lê mình trong bóng tối của sự lặp lại chính mình, cũ kỹ và nhàm chán.
Thứ hai, nếu không đọc (hoặc ít đọc) người viết sẽ không thể biết được ở cái thế giới văn chương ngoài mình, người ta đã và đang viết như thế nào, làm được những gì, tiến đến đâu. Và do vậy, rất dễ xảy ra một bi hài kịch là người viết sẽ tự thỏa mãn với việc mở những cánh cửa đã được mở rồi, đi trên những con đường đã trở thành những lối mòn, để rồi đến lúc phát hiện ra sự thực, anh ta sẽ phải sống trong tâm trạng vỡ mộng đầy chán nản.
Thứ ba, nếu không đọc (hoặc ít đọc) người viết sẽ không thể có niềm hạnh phúc đặc thù đối với một người viết là được gợi ý, được kích thích tiềm năng sáng tạo trong chính mình từ những sáng tạo của người khác. (Tôi không nói đến việc học theo, bởi với những người viết có bản lĩnh, học theo, ngay trong trường hợp tốt nhất, cũng chỉ là hành vi tự biến mình thành bản dập của những người khác. Mà tôi nói tới việc được gợi ý, kích thích…
viec-doc-cua-nhung-nguoi-viet_
Tuy vậy, cũng không hiếm người quan niệm (thường là ngấm ngầm chứ rất ít khi công khai) rằng người viết thì chỉ nên đọc một cách vừa phải, nếu không chưa biết chừng lợi bất cập hại. Họ giải thích: đọc thì có ích thật đấy, nhưng nó sẽ khiến cho phần “nhân vi” nơi người sáng tạo dày lên và làm mỏng đi cái phần “tự nhiên” tươi tắn, trinh nguyên – rốt cuộc là cái được không bù đủ cái mất.
Một lý do khác cũng thường được dùng như cột đỡ cho quan niệm này là, việc đọc nhiều có thể sẽ khiến người viết bị “ngợp”, sợ mà không dám viết nữa. Vì nhìn chân trời nào cũng thấy có người bay (và có không ít những người bay khổng lồ), nhìn đường nào cũng thấy chi chít những vết chân (và có nhiều vết chân như tạc vào đá). Kiến bò miệng chén, có loay hoay mãi cũng sẽ chẳng đi đến đâu – tất cả cũng là do sự đọc mà ra!
Về quan niệm này, xin được bình luận một cách ngắn gọn: đó là con đẻ của một thứ chủ nghĩa mà tôi tạm gọi là “sáng tạo trong sự vô minh”. Người ta tự ru ngủ mình bằng sự khước từ việc phải nhìn vào người khác. Hậu quả của chủ nghĩa này là, đến một ngày đẹp trời (hoặc xấu trời) nào đó, khi nhận ra sự thực, người viết sẽ sống trong tâm trạng chán nản, vì nhận ra rằng mình là một trong rất nhiều người “ví người đẹp với bông hoa”.
Nói chung, với những người viết có tài năng, có bản lĩnh, việc đọc chẳng bao giờ là thừa. Càng đọc nhiều càng tốt. Bằng cái đọc, anh ta sẽ biết được trong thế giới văn chương tự cổ chí kim có biết bao tượng đài, anh ta sẽ biết được kích thước thực sự của những tượng đài ấy. Biết để kính trọng, chứ không phải biết để khiếp sợ. Biết để nuôi trong mình niềm khát khao vươn tới trở thành một tượng đài mới, chứ không phải biết để trở thành bản dập của một tượng đài đã có hoặc để bị tượng đài đó làm cho nghẹt thở.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng, điển tích bao gồm cả điển tích văn chương và điển tích cuộc sống. Khi sáng tác, người viết buộc phải “dụng điển”, hoặc cái này hoặc cái kia hoặc cả hai. Quan niệm về điển tích như vậy dường như hơi rộng (chữ “điển” tự thân nó đã mang một nghĩa hết sức cụ thể: sách vở). Nhưng ít nhất, ở khía cạnh điển tích văn chương cho thấy người viết bắt buộc phải đọc.
Khi đọc một đoạn văn, qua những điển tích người viết sử dụng, người đọc sẽ hòa vào mạng lưới những dẫn chiếu tới các văn bản khác (ngày nay gọi là liên văn bản). Người đọc sẽ tìm ra những sắc thái nghĩa của điển tích (cũ) trong khuôn khổ của văn bản (mới), từ đó sẽ được hưởng khoái thú của việc hiểu và trở thành kẻ đồng sáng tạo với tác giả. Chuyện này có ở văn học của bất kỳ thời nào.
Chẳng ai sáng tạo được điều gì đó mới mẻ từ một tâm khảm trống rỗng. Việc đọc và viết của người viết liên quan đến nhau một cách mật thiết như vậy. Hồi ký hay tự thuật của các nhà văn lớn đều cho thấy bên trong họ là các “thư viện” lèn chặt, cho thấy họ đã “ngốn” truyện sách khủng khiếp như thế nào. Một phần nào đó trong họ được “lớn” là vì vậy. Liệu một người viết có thể trở thành “khổng lồ” bằng con đường khác không?
Nguồn Hoài Nam – An ninh thế giới – 2009 (Chungta.com)