Tản mạn về xã hội tiêu dùng

Xã hội tiêu dùng của chúng ta hiện nay được cho là nguyên nhân gây mất cân bằng sinh thái, thậm chí còn bị đánh giá là có thể hủy diệt sự bền vững của cuộc sống loài người.
Chúng ta đang sống trong xã hội tiêu dùng, thật khó mà cưỡng lại ham muốn “tiêu sài” khi nó được hình thành trên hai bản năng là 1. thích đồ mới và 2. sự thỏa mãn khi hưởng thụ. Hai bản năng này thôi thúc mạnh mẽ đến nỗi nhiều người không kiểm soát được.
Góc độ xã hội, khi cơm áo không còn là mối lo thì nhu cầu “hơn người” trở thành động lực của một số người. Các nhà kinh tế hiểu điều đó, và nhiệt thành cổ vũ cho nó. Bởi vì “cầu” sẽ thúc đẩy “cung”, và xã hội hàng hóa sẽ phát triển. Các chính phủ cũng lặng im, vì điều đó thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Động lực “hơn người” hướng con người tới sự sang trọng không giới hạn. Bạn có thể ngạc nhiên nếu ở một cửa hàng xa xỉ nào đó treo giá 50 triệu đồng một túi xách phụ nữ, hay 120 ngàn đôla một áo lông chồn. Nhưng các nhà kinh tế thì vui mừng vì đã đạt mục đích tăng trưởng, tạo được công ăn việc làm, thu được thuế đặc biệt và cái tủ kính phồn vinh (họ biết thừa là giả tạo) thêm một điểm nhấn.
Nhu cầu “hơn người” đẩy con người vào cơn cuồng phong tiêu dùng, không chỉ riêng hàng loại xa xỉ. Xã hội tiêu dùng đã lan sang xứ ta – với hàng hóa phong phú, mỗi ngày một cao cấp, đắt tiền đến khó tin – làm thay đổi nhân cách của một số người, thậm chí làm thay đổi văn hóa của xã hội.
chung-ta-khong-an-duoc-tien
Phải chăng đó là nguồn gốc những tội ác mỗi ngày một tăng, một dữ dằn, thậm chí man rợ, kỳ quái chưa hề xảy ra trong các giai đoạn lịch sử trước đây, đặc biệt là xảy ra trong giới trẻ. Lời khai phổ biến nhất của các thủ phạm trong các vụ giết người, cướp của, hành hạ người thân là “do cần tiền”. Vâng, đồng tiền đang lên ngôi và các giá trị khác đang bị đặt xuống.
Thực ra tiền không xấu, làm ra tiền cũng có nghĩa là làm ra của cải trong xã hội. Nhưng không phải đồng tiền nào cũng có phẩm chất ấy, nhất là trong thời đại tham nhũng lan tràn xã hội như hiện nay. Những vụ tham nhũng vài chục triệu, vài trăm triệu không còn gây sốc nữa. Người dân đã quen với những con số hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ rồi.
Có đồng tiền làm ra từ tài năng, kiến thức, mồ hôi nước mắt. Nhưng cũng có đồng tiền, thậm chí rất nhiều tiền được “làm ra” từ những cái gật đầu, và các chữ ký. Hàng hóa dù có đắt đến đâu, thì với những đồng tiền dễ kiếm như thế, người ta cũng mua được.
Không phủ nhận hàng hóa cao cấp là biểu tượng cho tiến bộ kỹ thuật, và đẳng cấp của một xã hội. Họ đã biết nâng cao giá trị và chất lượng cuộc sống. Đó là khát vọng và ước mơ chính đáng của con người. Nên chúng ta không chống lại hàng hóa xa xỉ, mà chống lại những kẻ không xứng đáng được hưởng chúng, làm điều xấu để hưởng chúng.
Lý lẽ của đám này là, có tiền thì thích làm gì thì làm, và trách người khác là “ghen ăn tức ở”. Thế nhưng chúng có biết, cách tiêu tiền thể hiện nhân cách của người tiêu. Khi anh có tiền là khi anh bộc lộ bản chất rõ ràng nhất.
Nhân loại đang điên cuồng thỏa mãn ý muốn “hơn người” mà tàn phá tài nguyên trên trái đất. Chúng ta đang chặt phá rừng, tàn sát muôn thú, khai thách cạn kiệt tài nguyên, giết chết các dòng sông, và đốt nóng bầu khí quyển. Chúng ta đang hủy diệt nền văn minh của mình.
Nếu môi trường bị hủy hoại, cuộc sống không còn bền vững. Lúc phải xâu xé nhau vì miếng ăn thì nói gì đến hàng hóa xa xỉ. Liệu con người có giữ được những ưu thế đáng tự hào, có giữ được những phẩm chất tốt đẹp được hình thành qua hàng ngàn năm chúng ta cố thoát khỏi những loài cầm thú?
Sưu tầm