Trường đại học không phải trại tế bần

Mạng xã hội Facebook đang lan truyền một bài viết của một giảng viên đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Thày Pham Thanh Long đưa ra quan điểm “Trường học là một doanh nghiệp, tri thức là hàng hóa, quan hệ sinh viên với nhà trường là quan hệ mua và bán”.
Trên Facebook của mình 21/7/2016, thầy Long viết “Trường đại học không quan tâm đến khoảng cách giàu nghèo, không quan tâm đến gia cảnh sinh viên, cũng không có mục tiêu hay nhiệm vụ làm cho người nghèo được học đại học. Thế nên cô trò hãy dừng việc mang sự nghèo khó ra làm sức ép lên học phí nhà trường”.
“Đại học là một phi vụ đầu tư của các bạn và gia đình. Những gì các bạn bỏ ra cho mấy năm đại học là chi phí đầu tư. Các bạn đầu tư cho tương lai của mình và gia đình, chứ không phải cho nhà trường hay xã hội. Muốn học trường danh tiếng, ra trường dễ xin việc, lương cao nhưng lại muốn học phí thấp thì giống như việc các bạn ra phố gọi bát phở nhiều thịt, nhiều quẩy, nhiều bánh nhưng lại đòi giá rẻ”.
Cu-nhan
“Nếu không hiểu tất cả những điều tôi viết ở trên, và không có tiền đóng học phí, chỉ biết kêu ca, thì các bạn nên dừng học, tôi khuyên rất chân thành. Hãy dừng học nếu bắt buộc. Sau này các bạn có thể học tiếp nếu muốn”.
Sau khi đăng tải gần một ngày, bài chia sẻ của thầy giáo đã nhận được hơn 1,8 nghìn lượt Like và gần 850 lượt share cùng hàng trăm bình luận. Trong đó có nhiều ý kiến ủng hộ quan điểm này, tuy nhiên số khác thì không ủng hộ và cho rằng thầy giáo không đồng cảm với những sinh viên có điều kiện gia đình khó khăn.
Trước đó 18/7/2016, trên Fanpage “NEU Confessions” của đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội đã đăng tải tâm thư do một sinh viên khóa 57 viết về những bức xúc khi học phí năm học 2016-2017 của trường này bị tăng 30%, gây chú ý cộng đồng.
Trong tâm thư có đoạn: “Nhà mình nghèo lắm, khi biết được tin này, mình đã chạy vào nhà và khóc nức nở”. “Bố mẹ ở nhà vẫn đang đầu tắt mặt tối chạy công trình, mình thì đi làm thêm từ sáng đến tối vẫn không thể trả nổi tiền học phí một kỳ. Nếu nhà trường không giải thích một cách thuyết phục, mình sẽ thôi học”.

Thành Nguyễn ủng hộ quan điểm của thày giáo Long. Đây là quan điểm mới của thời kinh tế thị trường, và đại học kinh tế nên đi đầu trong chuyện này. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến hình ảnh quốc gia, một đất nước “xã hội chủ nghĩa” như Việt Nam mà lại “chơi bài ngửa” thế thì cũng kỳ. Đó là lối tư duy thực dụng của “bọn tư bản”. Xưa nhà trường ta còn bao cả chỗ ăn chỗ ngủ cho sinh viên cơ mà? Giờ bản chất chế độ ta là thế nào đây?